1. Trí tuệ nhân tạo (AI)
Robot đang dần có trí thông minh nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (tiếng Anh: Artificial Intelligence, thường được viết tắt là AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Ban đầu AI được hiểu đơn giản như trí thông minh trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, nhưng tới nay nó đã trở thành một trong những ngành trọng yếu của tin học.
AI liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng thông minh của máy móc sao cho gần giống với khả năng xử lý của con người nhất. Hiện nay chưa có hệ thống AI nào đạt độ hoàn chỉnh tuyệt đối, nhưng với khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh, trả lời khách hàng về các sản phẩm của công ty, nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng tiếng nói và khuôn mặt hay khả năng đánh bại kiện tướng cờ vây,… cũng đủ cho thấy tương lai của những AI hoàn hảo không còn xa.
2. Máy học (Machine Learning)
Là một thành phần không thể thiếu để xây dựng các hệ thống AI, máy học ra đời dựa trên yêu cầu thu nhận tri thức và đưa ra quyết định đối với những chiếc máy tính vốn vô tri, vô giác. Chẳng hạn, trường hợp cần đưa ra quyết định nhanh chóng trong việc mua – bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán thì máy học là một trợ lý đáng tin cậy. Máy học nghiên cứu cách thức để mô hình hóa bài toán sao cho máy tính tự động hiểu, xử lý và học từ dữ liệu để cách đánh giá và thực thi nhiệm vụ được giao một cách hiệu quả, tối ưu nhất.
Liệu xe hơi có thể tự lái thay cho con người?
3. Dữ liệu lớn (Big Data)
Các chuyên gia công nghệ thường ví von so sánh “có dữ liệu là có tất cả”. Thật vậy, tất cả những thói quen của người dùng trên Google Search, YouTube, Facebook,… từ nội dung quan tâm cho tới vị trí rê, nhấn chuột,… đều là nguồn dữ liệu quý hơn vàng mà các “gã khổng lồ” này sẽ sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Trên hết, chúng là nguồn dữ liệu thô cơ bản để tạo nên một kho dữ liệu lớn và được phân tích bởi máy học để cuối cùng thu được nguồn dữ liệu đáng tin cậy. Mục đích cuối cùng là máy học cộng dữ liệu lớn sẽ tạo nên những AI thông minh vượt ra khỏi khả năng suy luận của con người.
4. Vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT)
Chỉ thông qua chiếc loa nhỏ gọn, bạn có thể điều khiển cả hệ thống điện trong nhà.
Internet of Things (IoT) là mạng lưới vạn vật kết nối Internet, mà trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là “thiết bị kết nối” và “thiết bị thông minh”), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu.
5. Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR)
Đây thật sự là công nghệ vượt trội trong những năm gần đây, nó mang tới cho loài người một cái nhìn khác về thế giới xung quanh vốn tưởng chừng chỉ là khoa học viễn tưởng. Hàng loạt công nghệ thực tế ảo do Google, Microsoft, Facebook (Oculus Rift),… tạo ra và liên tục được phát triển, đã trở thành một phần không thể thiếu trong các lĩnh vực phim ảnh, game và thậm chí phục vụ con người du lịch ảo.
Hiện nay, các ông lớn công nghệ đều không đứng ngoài cuộc chơi này. Facebook tuyên bố trong tương lai gần, họ sẽ xây dựng một thế giới ảo mà ở đó con người có thể gặp gỡ, giao tiếp với nhau như ngoài đời thật bằng hành động, cử chỉ và cả lời nói. Trong khi đó, Google vừa công bố dự án “biến” Google Earth (một chế độ của Google Maps) thành một mạng xã hội có câu chuyện, kết cấu. Về phía Microsoft, kính thực tế ảo Halolens của họ cũng đang trong quá trình phát triển và khi hoàn thành, nó sẽ cho phép con người tương tác với bức tường, mặt bàn không khác gì trong phim khoa học viễn tưởng.
Công nghệ thực tế ảo sẽ lên ngôi.
6. Super Phone (siêu điện thoại)
Theo các chuyên gia công nghệ tại NashTech, chu kỳ của một thế hệ điện thoại thường chỉ khoảng 10 năm. Do đó, tính từ thời điểm iPhone đầu tiên với màn hình cảm ứng ra đời (năm 2007) làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của ngành điện thoại di động thì tới lúc này, điện thoại di động đã sẵn sàng cho thời kỳ chuyển giao. Một trong những công nghệ mới được nhắc tới là super phone, tức chiếc điện thoại không còn đơn giản là điện thoại thông minh (smartphone) mà phải là siêu điện thoại với khả năng hiểu thói quen của chủ nhân, biết tình trạng sức khỏe của chủ nhân, trò chuyện với chủ nhân như những người bạn,…
7. Blockchain (Chuỗi khối)
Blockchain là một công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin trên toàn cầu bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Các khối này chứa thông tin giao dịch, thời gian lúc được tạo ra và một liên kết tới khối trước nó. Hệ thống blockchain bao gồm một chuỗi các nút có khả năng xác nhận thông tin.
Blockchain có độ bảo mật cao, dựa vào hệ thống mã hóa phức tạp. Thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung khi có sự đồng thuận của các nút khác trong hệ thống. Ngay cả khi một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
8. Công nghệ bảo mật cao cấp
Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ và khả năng giao tiếp giữa các thiết bị ngày càng khăn khít hơn, tính bảo mật sẽ phải được đề cao. Từ những công nghệ bảo mật đơn giản như chuỗi mật khẩu, giờ đây các công nghệ xác thực theo thời gian thực như OTP, xác thực 2 lớp hoặc nhiều hơn, công nghệ bảo mật vân tay, mống mắt, mã hóa phức tạp,… khi được nâng cao sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.